THPT Phạm Hồng Thái

https://c3phamhongthai.edu.vn


KỈ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 – 3/2/2024)

Ngay từ khi mới thành lập Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh đúng đắn về cách mạng Việt Nam, đặt nền tảng cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân tộc đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người trong đó tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh chính trị chính là độc lập tự do.
KỈ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 – 3/2/2024)
KỈ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
(3/2/1930 – 3/2/2024)
“Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng.
Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi.
Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non.
Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời.
Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân.
Cuộc đời tăm tối chốn lao tù bao hờn căm,
Vầng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng.
Bóng tối lui dần tiếng chim vui hót vang”
Những ca từ trong ca khúc “Đảng đã cho ta một mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác năm 1960 đã luôn được vang lên trong những ngày đầu của năm mới như thôi thúc chúng ta hãy ngược theo dòng thời gian, lần theo dấu chân lịch sử để tìm hiểu về sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
          Cách đây hơn một thế kỉ, vào năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Triều đình nhà Nguyễn từng bước đầu hàng Pháp. Ngày 6/6/1888, triều đình nhà Nguyễn kí Hiệp ước Pa – tơ – nốt, kể từ đó nước ta đã trở thành thuộc địa của Pháp. Nhân dân ta chìm trong ách áp bức của thực dân Pháp, cuộc sống lầm than, cơ cực. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và bè lũ tay sai ngày càng gay gắt, nhu cầu đấu tranh giành độc lập tự do ngày càng trở nên bức thiết. Nhiều phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân yêu nước dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu văn thân yêu nước đã nổ ra tuy manh mẽ, quyết liệt song không mang lại kết quả. Tiêu biểu như phong trào Cần Vương – phong trào yêu nước theo ý thức hệ phong kiến diễn ra từ những năm cuối thế kỉ XIX (1885-1896), phong trào nông dân Yên Thế (1884-1913) phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản đầu thế kỉ XX do hai nhà yêu nước, cách mạng là Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Tiếp đó là cuộc khởi nghĩa Yên Bái do nhà yêu nước Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng bị thực dân Pháp đàn áp đến thất bại  song cuối cùng vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
Có thể nói những năm cuối thế kỉ XIX và mấy thập kỉ đầu thế kỉ XX, dân tộc ta như người lần đường trong đêm tối mà chưa  tìm thấy lối ra. Giữa lúc dân tộc ta đứng trước cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước thì ngày 5/6/1911 người thanh niên Nguyễn Tất Thành ( tức Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) chỉ đôi bàn tay trắng, nhiệt huyết của một người yêu nước và ý chí quyết tâm tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, đưa nhân dân thoát khỏi kiếp nô lệ lầm than, Người đã ra đi tìm đường cứu nước theo một phương cách mới khác hoàn toàn các bậc tiền bối. Người đã đi qua nhiều nước Châu Âu, Châu Phi, Châu Mĩ để “Xem người ta làm thế nào để rồi trở về giúp đồng bào mình”. Người phát hiện ra một chân lý: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở “chính quốc” cũng như ở các thuộc địa. Năm 1917, Người trở lại Pháp và cùng năm đó cách mạng tháng 10 Nga thành công, ánh sáng Chủ Nghĩa Mác – Lênin đã soi rọi tới hành trình cứu nước của Người. Năm 1919, Người ra nhập Đảng Xã hội Pháp và tháng 6/1919, Người thay mặt những người yêu nước Việt Nam, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản yêu sách 8 điểm đến Hội nghị Véc xay. Tháng 7/1920 Nguyễn Ái Quốc đọc “Sơ thảo luận cương các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lê Nin và Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp, Người đã bỏ phiếu tán thành theo Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản do Lênin sáng lập) và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin  vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lí luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người đã viết nhiều bài báo quan trọng, nhiều tham luận tại các Đại hội, Hội nghị quốc tế, viết “Bản án chế độ thực dân Pháp” và sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Quảng Châu – Trung Quốc nhằm tập hợp đội ngũ thanh niên yêu nước Việt Nam, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện họ trở thành cán bộ cách mạng Việt Nam, những bài giảng của Người đã xuất bản thành cuốn sách “Đường cách mệnh” nêu rõ quan điểm, đường lối chính trị đúng đắn cho cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Những việc làm đó của Người chính là sự chuẩn bị về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức tiến tới sự thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những hoạt động cách mạng miệt mài của Nguyễn Ái Quốc đã đưa tới sự sự thay đổi to lớn trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, con đường cứu nước theo khuynh hướng vô sản do Người khơi mở đã đáp ứng yêu cầu của lịch sử và vận mệnh dân tộc.
Ngày 6/1/1930, trước tình cả nước có 3 tổ chức Cộng sản (Đông Dương cộng sản Đảng ở Bắc Kì thành lập ngày 17/6/1929, An Nam cộng sản đảng ở Nam Kì thành lập tháng 8/1929, Đông Dương cộng sản liên đoàn ở Trung Kì thành lập tháng 9/1929)  hoạt động riêng rẽ, Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp triệu tập Hội nghị các tổ chức cộng sản để bàn việc hợp nhất. Trong các ngày từ 3/2/1930 đến 7/2/1930 tại Cửu Long (Hương Cảng- Trung Quốc) Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản được tổ chức dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, tham gia Hội nghị có các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh (đại biểu Đông Dương cộng sản đảng), Nguyễn Thiệu, Châu Văn Liêm ( đại biểu An Nam cộng sản đảng) Hội nghị nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam (Về sau, đến 24/2/1930 tổ chức Đông Dương cộng sản liên đoàn đã xin ra nhập Đảng cộng sản Việt Nam). Tại Hội nghị thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng gọi chung là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Cương lĩnh chính trị đã xác định rõ đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành “tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, nhiệm vụ cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do...
Như vậy, ngay từ khi mới thành lập Đảng ta đã đề ra Cương lĩnh đúng đắn về cách mạng Việt Nam, đặt nền tảng cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân tộc đó là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người trong đó tư tưởng cốt lõi của Cương lĩnh chính trị chính là độc lập tự do.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp quyết liệt của nhân dân Việt Nam, là sự sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử, là sản phẩm của sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong thời đại mới dưới sự dẫn dắt của tài tình, sáng suốt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc ( Chủ tịch Hồ Chí Minh ). Đảng ra đời đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, là mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc, là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên có tính quyết định cho những bước phát triển nhảy vọt mới trong lịch sử cách mạng dân tộc.
3 2
Ảnh: Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930 – Tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia – Nguồn Internet.
          Kể từ ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930 -3/2/2024) đến nay, đất nước ta đã có 94 mùa xuân với biết bao thành quả vĩ đại mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng gặt hái được. Chúng ta hãy cùng điểm lại những thành quả cách mạng mà dân tộc ta giành được dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh:
  1. Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vùng lên đấu tranh giành chính quyền – với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – Thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác – Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, thắng lợi của đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta soi sáng. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945,  nhân dân ta đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm và ách thống trị của phát xít Nhật gần 5 năm, lật nhào ngai vàng phong kiến ngự trị ngót chục thế kỉ ở nước ta, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra kỉ nguyên mới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội... Cách mạng Tháng Tám của dân tộc ta góp phần vào chiến thắng Chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ II, cổ vũ phong trào cách mạng thế giới.
  2. Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc ta đã tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp tái xâm lược trong những năm 1946-1954 và chống đế quốc Mĩ xâm lược trong những năm 1954-1975 lập nên những chiến công lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu như chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), chiến thắng Điện Biên Phủ trên không (1972), Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975...  bảo vệ thành quả cách mạng Tháng Tám, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
  3. Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội (1976 -1986), tiến hành công cuộc đổi mới (1986 đến nay) thành công mang lại vận hội mới cho dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Với đường lối đối ngoại đúng đắn, Đảng ta đã đưa đất nước chủ động tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Với phương châm đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc cơ bản của tổ chức Liên Hợp quốc và Luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác các bên cùng có lợi ... Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187/193 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc và có quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước ... Nước ta tham gia có hiệu quả vào các định chế khu vực và toàn cầu nhất là các hiệp định thương mại (FTA)...
Bạn bè quốc tế đánh giá cao vai trò và sự đóng góp tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc. Việt Nam đã được bầu với số phiếu cao vào nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008 - 2009), Hội đồng Kinh tế - Xã hội (1998 - 2000 và 2016 - 2018), Hội đồng Nhân quyền (2014 - 2016), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2015 - 2019), Ủy ban Luật pháp quốc tế (2017 - 2021). Đặc biệt trong vai trò kép: Chủ tịch luân phiên lần thứ hai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kì 2020-2021, Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế. Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã được bầu là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kì 2023-2025.
          Với những thành tựu to lớn đất nước ta đạt được dưới sự lãnh đạo vẻ vang của Đảng càng khiến cho chúng ta thấy biết ơn, tự hào và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng hơn nữa. Mỗi cá nhân cần trau dồi hơn nữa về trình độ lí luận chính trị về  phẩm chất cách mạng và kiên định con đường Chủ nghĩa xã hội, sãn sàng cống hiến công sức trí tuệ trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay để xứng đáng với những điều tốt đẹp mà Đảng và các thế hệ đi trước đã kiến tạo để thế hệ hiện nay được thừa hưởng trong bối cảnh đất nước thanh bình, kinh tế phát triển, đời sống vật chất tinh thần ngày càng nâng cao trong xu thế hội nhập quốc tế.
(Bài viết có tham khảo nguốn Tư liệu trong cuốn “Giáo dục truyền thống” của Thành ủy Hà Nội – Nhà xuất bản Hà Nội).

Tác giả bài viết: Ban truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây