VÌ SAO CHÚNG TA ĐƯỢC NGHỈ NGÀY 30/4 VÀ NGÀY 1/5

0
180

Vì sao chúng ta được nghỉ ngày 30/4 và ngày 1/5? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cùng ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa hai ngày lễ này nhé!

Trước hết là nói về ngày 30/4: Ngày Chiến thắng:

Cách đây 47 năm, cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giành thắng lợi hoàn toàn.Chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc, khẳng định tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược. Chiến thắng 30/4 đã thể hiện ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua 21 năm, là cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và nhiều thử thách, cam go, ác liệt nhất. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã đương đầu với tên đế quốc giàu mạnh nhất và hung bạo nhất trong phe đế quốc. Cuộc kháng chiến này nhân dân ta phải trải qua nhiều giai đoạn, phải đối phó lần lượt với các kế hoạch chiến lược của đế quốc Mỹ cụ thể như:

  1. Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đơn phương” của đế quốc Mỹ.
  2. Từ năm 1961 đến năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”của đế quốc Mỹ.
  3. Từ năm 1965 đến năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”của đế quốc Mỹ ở miền Nam, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc;
  4. Từ năm 1969 đến 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh chiến đấu Việt Nam – Lào – Campuchia, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán buộc Mỹ phải kí hiệp định Pari rút quân về nước.
  5. Từ sau hiệp định Pari (27/1/1973) đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng 30/4 là chiến công oanh liệt của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước,là chiến thắng của sức mạnh đoàn kết dân tộc, của khát vọng thống nhất đất nước. Chiến thắng này cũng là bản anh hùng ca hào sảng về tinh thần yêu nước, quyết tâm chiến đấu và sẵn sàng hy sinh xương máu của thế hệ ông cha ta để viết dầy thêm trang lịch sử. Chính vì thế, để tưởng nhớ công lao của các thế hệ đi trước, để hồi tưởng lại chiến thắng lịch sử của dân tộc vào mùa xuân năm 1975,chính phủ đã quyết định lấy ngày 30/4 hàng năm là một ngày quốc lễ và tất cả chúng ta đều được nghỉ ngày 30/4 để kỉ niệm Ngày Chiến thắng.

Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập. (Ảnh:Nguồn Tạp chí Tuyên giáo Trung ương)

Nói về ngày 1/5 – đó là ngày Quốc tế Lao động – ngày lễ kỷ niệm và ngày hành động của phong trào công nhân quốc tế và của người lao động.

Ngày 1.5 bắt nguồn từ thành phố công nghiệp lớn Chicago, Mỹ. Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “…Từ ngày 1/5/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Sở dĩ ngày 1/5 được chọn bởi đây là ngày bắt đầu một năm kế toán tại hầu hết các nhà máy, xí nghiệp ở Mỹ. Vào ngày này, hợp đồng mới giữa thợ và chủ sẽ được ký. Giới chủ tư bản có thể biết trước quyết định của công nhân mà không thể kiếm cớ chối từ. Ngày 1/5/1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!” Cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia. Ngày 1/5 được xem là ngày mừng thắng lợi đã đạt được, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ngày 1/5 cũng là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Tại Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (năm 1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày l/5 hàng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập – tự do – dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế – xã hội. Ngày 1/5/1930 – lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ – đó cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức kỉ niệm Ngày Quốc tế Lao động.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22 ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, Kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.

Như vậy 30/4 và 1/5 được coi là những ngày Quốc lễ của Việt Nam. Ngày 30/4 là ngày lễ toàn dân mang ý nghĩa lịch sử trọng đại chứng minh cho sức mạnh đoàn kết, truyền thống dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của ông cha ta. Đây là dịp hàng năm nhắc nhở thế hệ con cháu về sự hy sinh của biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Còn ngày 1/5 là ngày biểu dương những công lao tranh đấu quyết liệt của lực lượng lao động cho nền hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Tại Việt Nam, ngày Quốc tế lao động còn mang ý nghĩa tạo động lực cho công nhân, nông dân cả nước, biểu dương tinh thần đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế.

Bây giờ các bạn đã hiểu tại sao chúng ta lại được nghỉ lễ 30/4 và 1/5 rồi đúng không?

 

Bài viết có tổng hợp tư liệu từ Tạp chí Tuyên giáo Trung ương.