KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ “LỪNG LẪY NĂM CHÂU, CHẤN ĐỘNG ĐỊA CẦU”
(7/5/1954 – 7/5/2024)
Ngày 7/5/1954, trên đại ngàn Tây Bắc, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, dựng nên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào-Việt, nằm trên ngã ba nhiều đường lớn và đường nhỏ quan trọng. Đối với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, là một vị trí chiến lược cơ động ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc, có thể trở thành một căn cứ rất lợi hại trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á.
Thấy rõ vị trí quan trọng đó của Điện Biên Phủ, ngày 20/11/1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ và xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Với số quân đông, hoả lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ xác nhận đây là "một tập đoàn cứ điểm đáng sợ", "một pháo đài bất khả xâm phạm". Xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ hòng thực hiện ý đồ thu hút chủ lực ta lên đó để tiêu diệt, rồi chuyển sang tiến công ta.
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị Trung ương Đảng tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, công việc chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành từ cuối năm 1953. Với khẩu hiệu "Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”, nhân dân ta đã dồn hết sức người, sức của cho chiến dịch. Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung 4 đại đoàn bộ binh, 1 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 quân. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch. Trên 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch...
Kết quả, sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt”, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta xóa sổ hoàn toàn. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “ Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử”. Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên xây dựng CNXH ở Miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn Miền Nam nói riêng và cả nước nói chung trong giành thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
70 năm đã trôi qua, thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/4/1954 – 7/5/2024) là một bản anh hùng ca bất diệt, hào sảng của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, một dân tộc quyết tâm mang hết tính mạng và của cải để giành và giữ độc lập, chủ quyền dân tộc. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng là chiến thắng của sức mạnh Việt Nam và chiến thắng mang tầm vóc thời đại.
Hòa chung trong không khí tự hào của cả nước hướng tới kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thầy và trò trường THPT Phạm Hồng Thái có những hoạt động thiết thực chào mừng sự kiện trọng đại của cả dân tộc. Cùng với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo nhiều nhóm học sinh đã thiết kế mô hình các sa bàn tái hiện lại chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, thiết kế các lược đồ chiến dịch Điện Biên Phủ hay vẽ những bức ảnh tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ, phác họa lại chân dung của một số các anh hùng liệt sĩ trong chiến dịch và đặc biệt các em đã thiết kế chiếc áo trấn thủ, chiếc mũ cối hay đôi dép cao su là những vật dụng gắn với người chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ trong chiến dịch. Các em cũng lập trang facebook để đăng tải những bài viết, tư liệu về chiến dịch Điện Biên Phủ và sôi nổi tham gia cuộc thi tìm hiểu chiến dịch Điện Biên Phủ do nhà trường tổ chức. Những hoạt động đó đã góp phần hun đúc cho thế hệ trẻ lòng biết ơn, lòng yêu nước và niềm tự hào tự tôn dân tộc, giúp các em nhận thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân đối với lịch sử dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại ngày nay.
(Áo trấn thủ, mũ cối và đôi dép cao su được làm tự các vật liệu tái sử dụng, tái chế)
(Sa bàn chiến trường Điện Biên Phủ được thiết kế bằng các vật liệu tái chế)
(Lược đồ Chiến dịch Điện Biên Phủ được thiết kế bằng đất nặn)